S&P 500 hôm qua tăng 0,2%, lần đầu chốt phiên ở đỉnh mới sau nhiều ngày biến động quanh mốc này.
Chốt phiên 18/8, chỉ số S&P 500 tăng 0,23% lên kỷ lục 3.389 điểm, vượt đỉnh 3.386 xác lập hồi tháng 2. Nasdaq Composite cũng tăng 0,73% lên đỉnh 11.210 điểm.
Ngược lại, DJIA giảm 0,24% xuống 27.778 điểm. Chỉ số này bị kéo tụt do nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính. Hiện tại, DJIA vẫn thấp hơn 6% so với đỉnh gần nhất.
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên S&P 500 lập đỉnh kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Mỹ. Chỉ số này đã biến động quanh mốc đỉnh nhiều ngày qua, nhưng đến nay mới chốt phiên ở đỉnh.
Điều này có ý nghĩa lớn, vì cho thấy Wall Street chỉ mất 5 tháng để đi từ đáy lên đỉnh mới. Đây cũng là thị trường giá xuống ngắn nhất lịch sử chứng khoán Mỹ. "Thật khó tin, nhưng thị trường giá xuống năm 2020 đã chính thức kết thúc", Solita Marcelli – một lãnh đạo tại UBS Global Wealth Management cho biết.
Thị trường đi lên nhờ tác động của gói kích thích tài khóa và tiền tệ kỷ lục trong đại dịch, cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng. "Đây là thông tin bất lợi với những nhà đầu tư kỳ vọng thị trường đi xuống tiếp để mua vào. Nhưng nhìn một cách lạc quan, thị trường giá lên cũng cho họ nhiều cơ hội", Marcelli nhận định.
Dù các cổ phiếu vốn hóa lớn tại Mỹ đã tăng mạnh trong mùa hè, các mã vốn hóa nhỏ, cũng như cổ phiếu công ty nước ngoài niêm yết tại đây vẫn còn dư địa tăng trưởng.
"Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao chứng khoán lại lập đỉnh, khi tỷ lệ thất nghiệp còn ở 10% và gần một triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Thực tế là các số liệu đều là trong quá khứ và cổ phiếu thì lại hướng đến tương lai", Ryan Detrick – chiến lược gia đầu tư tại LPL Financial giải thích.
- Mỹ có thể dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu năm 2021
- Doanh nghiệp Nhật xin ngân sách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc
- 'Việt Nam đủ lớn cho kế hoạch dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Nhật'
- 'Nhiều tập đoàn công nghệ tỷ USD đã tìm đến Việt Nam'
- Thách thức cho lao động Việt khi đón sóng chuyển dịch của Nhật Bản